Giống nhiều mặt hàng khác, các nhà sản xuất điện thoại Trung Quốc đang lên kế hoạch với tham vọng thống trị thị trường thế giới.

Trung Quốc từ lâu đã trở thành thị trường smartphone lớn nhất thế giới, chiếm 30% tổng lượng thiết bị tiêu thụ toàn cầu. Tuy nhiên, do suy thoái kinh tế và "miếng bánh" ngày càng thu hẹp lại, các công ty nội địa đang tìm kiếm cơ hội tại thị trường nước ngoài.

Bất lợi đầu tiên khi thâm nhập quốc tế là các nhà sản xuất Trung Quốc còn non trẻ, khó chiếm được cảm tình của người dùng tại châu Âu và Mỹ, nơi thương hiệu vẫn đóng vai trò quan trọng khi chọn mua smartphone.

the-gioi-se-tran-ngap-smartphone-trung-quoc

Các công ty smartphone Trung Quốc đang mở rộng ra thị trường thế giới.

"Khách hàng tại Anh nói riêng có xu hướng chọn những tên tuổi mà họ biết, những thương hiệu quen thuộc sẽ dễ gây chú ý hơn", nhà phân tích Ben Wood của CCS Insight nói. "Các công ty như Apple và Samsung đã đổ hàng trăm triệu bảng Anh để tiếp thị. Cho đến nay, những công ty Trung Quốc cũng mở những chiến dịch tương tự, song thương hiệu của họ xếp ở "chiếu dưới" trong mắt người dùng".

Tuy nhiên, các công ty Trung Quốc có những kế hoạch khôn ngoan hơn để tiếp cận khách hàng thế giới. Lenovo đã mua lại Motorola Mobility của Google với giá 2,91 tỷ USD vào năm 2014, vậy là họ có chỗ đứng khá vững tại cả Mỹ và châu Âu. Về tay công ty Trung Quốc, Motorola tiếp tục phát triển thương hiệu này độc lập. Mới nhất, họ tung ra mẫu Moto G mới với giá rẻ, Moto X Play cho người dùng năng động và Moto X Style với khách hàng ưa hình thức.

Xiaomi, công ty được ví như "Apple của Trung Quốc", lại chọn châu Phi làm thị trường nước ngoài tiềm năng, sau khi khá thành công tại Ấn Độ. Thương hiệu này phát triển bởi chiến lược khá đơn giản mà không tốn nhiều công quảng bá. Họ bán thiết bị qua kênh trực tuyến nhằm giảm chi phí marketing, đồng thời sử dụng mạng xã hội làm cách truyền bá bằng kế hoạch "flash sale".

Xiaomi thường bán máy với số lượng hạn chế theo đợt để người dùng có cảm giác rằng nếu không mua ngay thì sẽ hết cơ hội. Bạn từng đọc thông tin nói, smartphone Xiaomi Mi4 đã bán hết sạch chỉ trong 37 giây sau khi cho đặt hàng, đó chính là nghệ thuật "đòn tâm lý" mà công ty Trung Quốc áp dụng.

Trong khi đó, Huawei, nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới (bao gồm giải pháp và thiết bị mạng, không riêng smartphone), đã tách Honor thành thương hiệu độc lập. Sở dĩ vậy bởi tên gọi này dễ phát âm với người phương Tây, thu hút khách hàng trẻ, những người chuộng thời trang đang tìm kiếm những smartphone đẹp, thông số kỹ thuật cao mà giá phải chăng.

Thiết bị mới nhất của hãng, chiếc Honor 7, nổi bật với màn hình Full HD 5,2 inch, cảm biến vân tay, camera chính 20 megapixel, máy ảnh trước 8 "chấm" nhưng giá khoảng 380 USD, bằng một nửa so với các sản phẩm đến từ thương hiệu tên tuổi.

"Trước đây, các nhà sản xuất Trung Quốc thường tung ra điện thoại giá rẻ, cấu hình cũng "bèo bọt", song điều này dần thay đổi. Gần đây, một số công ty như Huawei hay Xiaomi "đánh" vào phân khúc tầm trung bằng các smartphone cấu hình cao, thiết kế đẹp", nhà phân tích của CCS Insight chia sẻ."Khi người dùng bắt đầu hiểu về các sản phẩm của những công ty này là "đủ tốt" mà giá lại rẻ, cấu hình tốt hơn so với thương hiệu lớn, khách hàng sẽ có cái nhìn tích cực".

the-gioi-se-tran-ngap-smartphone-trung-quoc-1

Smartphone Trung Quốc dần khẳng định bằng các sản phẩm tốt mà giá cạnh tranh.

Chủ tịch Honor, ông George Zhao nhận xét, nhiều người châu Âu vẫn mua smartphone với hợp đồng nhà mạng, nhưng trong tương lai những thiết bị không ràng buộc và bán qua kênh trực tuyến sẽ phổ biến. "Cách đây bốn, năm năm, ở Trung Quốc bán điện thoại qua thương mại điện tử chỉ chiếm khoảng 5%. Nhưng con số vào năm 2015 đã lên đến 27, 28%".

"Tại châu Âu, thương mại điện tử sẽ rất tiền năng bởi nó làm giảm nhiều chi phí trung gian. Điều này đồng nghĩa với việc các nhà sản xuất sẽ dồn tất cả vào trải nghiệm người dùng", ông Zhao nhấn mạnh. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, Honor vẫn cần hợp tác chặt chẽ để bán smartphone qua các nhà mạng.

Samsung và Apple với 22% và 16% thị phần smartphone toàn cầu, đang giữ khoảng cách khá lớn với các công ty Trung Quốc. Tuy nhiên nhà phân tích của CCS Insight chỉ ra rằng, thương hiệu không phải là tất cả, những thiết bị có thiết kế đẹp, hiệu suất tốt so với giá thành sẽ được khách hàng để ý đến.

"Ví dụ rõ ràng là cách đây 15 - 20 năm, những công ty như LG và Samsung đã bán lò vi sóng giá rẻ tại các cửa hàng giảm giá", ông Wood nói. "Qua thời gian, các công ty này đã trở thành những thương hiệu điện tử hàng đầu thế giới. Sẽ là chủ quan nếu bỏ qua các nhà sản xuất Trung Quốc, bởi họ có thể tạo ra những bước đột phá trong những năm tới".

Đình Nam

Nguồn tin từ VnExpress.net